Những kỹ năng giúp bạn "sống sót" khi đi du học

| Lượt xem: 2363
Đi du học, ngoài việc trang bị kĩ lưỡng về tài chính và tinh thần tự lập, bạn còn phải có một số kỹ năng sống quan trọng nữa.

1. Kỹ năng giao tiếp

Đi đến một quốc gia khác đòi hỏi phải học một ngôn ngữ mới, một kỹ năng có nhu cầu cao tại nơi làm việc. Ngay cả khi đó là tiếng mẹ đẻ của bạn, mỗi quốc gia có những điểm nhấn và từ vựng riêng mà bạn phải biết để giao tiếp hiệu quả. Giao tiếp không chỉ áp dụng để cải thiện ngoại ngữ. Nó cũng áp dụng cho các kỹ năng giao tiếp chung mà bạn sẽ có được khi bạn trải qua đào tạo từ các chuyên gia và cuộc sống hàng ngày với những người khác, bạn sẽ giỏi hơn trong việc truyền đạt ý tưởng và lắng nghe người khác bằng cả ngôn ngữ thứ nhất và thứ hai của bạn. Thông qua giao tiếp, bạn cũng có thể kết nối, điều này sẽ giúp bạn có được một công việc ở nước ngoài hoặc ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp.

2. Kỹ năng chọn bạn

Ở môi trường nước ngoài, việc có một người bạn đã khó, nhưng chọn đúng bạn lại là việc khó hơn. Có những người bạn chơi rất hợp nhưng khi học chung lại không hề có cùng quan điểm hay thái độ cộng tác. Chính vì thế, không tính những lần học nhóm hay thuyết trình đầu tiên (mang tính “xé nháp”), bạn nên chịu khó quan sát và chọn ra cho mình một người bạn tiềm năng để rủ họ cùng làm việc.

Đối với những người bạn không nghiêm túc khi học nhóm chung (trễ hạn nộp, không chịu làm bài…) bạn nên cứng rắn thẳng thắn nói chuyện với họ hoặc nhờ đến trợ giúp của giảng viên.

Cuối cùng, có một sự thật cần lưu ý là ở nơi nào có nhiều sinh viên quốc tế thì nơi đó dễ kết bạn và không khí học tập cũng cởi mở hơn nhiều những nơi có toàn sinh viên bản xứ. Tóm lại, để có được cảm tình của tất cả, ngay từ đầu bạn hãy thân thiện mỉm cười hay chào hỏi tất cả mọi người xung quanh.

3. Kỹ năng nói “không”

Đây là một trong những kỹ năng du học quan trọng nhất! Sinh viên nước ngoài, đặc biệt những bạn bè đến từ các nước châu Mỹ Latinh hoặc khu vực Địa Trung Hải thường rất “chịu chơi”. Họ có lẽ là những sinh viên quốc tế ham tiệc tùng nhất mà bạn sẽ gặp. Chính vì thế, khi kết bạn với họ, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tâm thế nói “Không” trước một số cuộc vui quá đà, đặc biệt là khi những party này ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc làm thêm hay quan trọng nhất là việc học của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng phải biết mình biết ta trong khâu mua sắm, đặc biệt là với các du học sinh nữ. Nếu tháng này bạn đã cạn tiền ăn và ở nhà cũng không còn lương thực khô trữ sẵn, hãy thẳng thừng nói không với cái váy lung linh ở bên trong cửa kính! Liệu pháp tinh thần tốt nhất của khoảnh khắc đó là bạn nên biết chiếc váy sẽ được bán với giá rẻ hơn 50% trong mùa sales tới, và nếu mua nó lúc này bạn sẽ trở thành một kẻ “đã vô sản rồi còn bị mua hàng… hố”)

4. Kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc nhà

Đi du học, bạn sẽ phải đạo diễn từ A đến Z công việc nhà. Điều này là cực hình không chỉ của du học sinh Việt mà còn với sinh viên quốc tế. Nhưng yên tâm là một khi có đầu óc tổ chức một chút, bạn sẽ thấy những việc này cũng không tốn thời gian lắm đâu.

Chẳng hạn, nếu nhà bạn không có máy giặt và thường phải dành hẳn một buổi sáng chủ nhật để đi giặt sấy ở phòng giặt công cộng trong thành phố. Hãy xách cả vali đồ bẩn vào khu kí túc xá ngay trong khuôn viên trường Đại học vào chiều thứ tư, ngày bạn thường đi thư viện học bài. Như vậy, áo quần của bạn vẫn được giặt giũ trong khi bạn ngồi thư viện và sáng chủ nhật của bạn vẫn được trả lại cho “khổ chủ”.

Nếu sống chung với bạn bè quốc tế, bạn nên thống nhất việc dọn dẹp nhà chung vào cuối tuần. Cứ đến giờ đó thì làm theo đúng nguyên tắc. Về chuyện bếp núc, bạn có thể nấu vào buổi tối hôm trước để chuẩn bị thức ăn cho buổi trưa hôm sau, hoặc cũng có thể cắm cơm từ sáng trong lúc tắm để tối về nhà khỏi phải tốn thời gian cho việc này.

5. Nhận thức văn hóa

Nhận thức văn hóa cũng là một kỹ năng đạt được khi du học, nó sẽ phục vụ bạn trong quan hệ quốc tế và làm cho bạn có cơ hội có việc làm hơn. Trải nghiệm những cách mới có thể khiến bạn tôn trọng hơn những người khác biệt. Ngoài ra còn có khả năng tìm một món ăn yêu thích mới hoặc điểm đến kỳ nghỉ trong khi bạn đang ở đó!

6. Kỹ năng thức khuya dậy sớm

Khi du học nước ngoài, nhiều bạn học sinh không thể thu xếp thời gian tự học vào ban ngày (vì lí do bận học ở trường hoặc đi làm thêm) nên nhiều bạn đã chọn thức khuya làm bài. Đặc biệt là vào kì thi, tần số thức khuya càng diễn ra thường xuyên hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng ôn bài, bạn không nên ngồi gần cái máy tính (có kết nối Internet) và cũng đừng nên ngồi quá gần chiếc giường êm ái! Cách duy nhất để giải quyết tình trạng thức khuya học bài là phải thiết kế lại thời gian biểu giữa việc làm thêm và học tập.

Du học sinh không phải ai cũng có cơ hội ở ngay trong khu kí túc xá Đại học, chính vì thế nhiều người phải trải qua một quãng đường dài hàng tiếng đồng hồ bằng phương tiện công cộng để đến trường. Vào mùa Đông, việc đấu tranh nội tâm giữa việc “đi học hay ngủ tiếp” vì thế cũng xảy ra thường xuyên hơn. Vào những lúc đó hãy nghĩ rằng buổi học hôm nay cũng quan trọng như khi có bài kiểm tra, hoặc “chỉ cần bước ra ngoài trời tuyết mình sẽ hết buồn ngủ ngay”. Để giải quyết vấn đề nan giải này, bạn nên lưu ý việc chọn thuê nhà ngay từ đầu sao cho thuận tiện cả việc đi học lẫn làm thêm.

7. Kỹ năng xin việc

Trong thời gian du học ngoài thời gian học tập thì kiếm một công việc đi làm thêm không những giúp các bạn trang trải các chi phí sinh hoạt cần thiết mà còn giúp các bạn du học sinh có cơ hội hòa nhập, trau dồi khả năng giao tiếp, hiểu được cách suy nghĩ của người bản xứ. Vì vậy việc làm thêm luôn là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, với nhiều du học sinh việc xin việc làm thường gặp khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như chưa biết lựa chọn công việc phù hợp. Vậy làm sao để có thể xin việc làm thêm một cách dễ dàng thì kỹ năng nói tiếng Anh tốt có thể sẽ giúp bạn kiếm được việc làm một cách dễ dàng hơn, đặc biệt là cho những công việc yêu cầu giao tiếp và đối đáp với khách hàng như phục vụ nhà hàng. Công việc làm thêm thì có rất nhiều, nếu trình độ tiếng Anh của bạn khá một chút thì sẽ có nhiều cơ hội có được việc làm cao và mức lương tương ứng. Các bạn nên tham khảo thông tin tuyển dụng trên các báo địa phương, các Website tìm kiếm việc làm hoặc liên hệ với những văn phòng hướng nghiệp của cơ sở giáo dục hoặc trung tâm sinh viên. Họ có thể cung cấp cho bạn thông tin về những doanh nghiệp, những cơ sở kinh doanh tại địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng du học sinh.  Thông thường, bạn có thể  email giới thiệu về bản thân và bày tỏ mong muốn làm việc cho nhà tuyển dụng, đính kèm một bản CV và thư xin việc. Hãy luôn nhớ kết thúc email bằng lời đề nghị có một cuộc gặp mặt trực tiếp hoặc nói chuyện, tương tác trực tuyến cùng nhà tuyển dụng để thảo luận về công việc, đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để nhà tuyển dụng hiểu thêm về bạn. Hầu hết các công việc làm thêm ngoài giờ học sẽ mang lai cho bạn một mức lương hợp lí. Ngoài mang lại cho bạn những lợi ích trước mắt (tiền lương, các bữa ăn miễn phí), những công việc này chắc chắn cũng sẽ đem đến cho bạn các vốn sống thú vị.

Chúc các bạn học sinh tự tin và có nhiều trải nghiệm trong thời gian du học của mình!